Giới thiệu chung
Là hiện thân của nền văn hóa trẻ những năm 1970, ở Kenzo Takada, người ta tìm thấy đỉnh cao của sự giác ngộ, khát khao khám phá một nền văn hóa mới mẻ toàn cầu. Với trực giác chiết trung, sự ngưỡng mộ sâu sắc dành cho họa tiết và chất liệu, khả năng am tường lịch sử bẩm sinh và cách kết hợp tài tình giữa các tầng lớp, tất cả đã khắc họa nên những bản thiết kế đương đại mang hơi thở thập niên 70 đầy thú vị của Kenzo Takada. Chính sự đột phá và liều lĩnh đã tạo nên một Kenzo không lẫn vào đâu được, một Kenzo không chỉ được giới trẻ Mỹ ca ngợi mà còn là “nhà thiết kế trắng vĩ đại” của thế giới.

Các cột mốc quan trọng
Nhà thiết kế thời trang Kenzo Takada sinh ngày 7/2/1939 tại Himejie, Nhật Bản. Takada là thành viên trong gia đình có 7 anh chị em. Ông sớm thể hiện tài năng thời trang thiên bẩm khi đọc tạp chí của chị gái và bắt đầu thiết kế trang phục cho chị mình.
Mặc dù trúng tuyển vào Đại học Kobe, ông sớm nhận ra chương trình học không phù hợp và bỏ ngang để theo đuổi sự nghiệp thời trang. Vào năm 1958, ông trở thành một trong những học viên nam đầu tiên tại trường thời trang Bunkafukuso Gakuin. Không được bố mẹ ủng hộ niềm đam mê, ông đã phải làm việc bán thời gian để nuôi sống bản thân và tham dự khóa học sơ khảo về thời trang vào buổi tối.

Đến năm 1960, ông chiến thắng một giải thưởng thời trang tại Nhật Bản, giải Soen. Sau đó ông làm việc tại cửa hàng Sanai, chuyên thiết kế thời trang cho bé gái và tạo ra đến 40 thiết kế mỗi tháng.
Vào năm 1964, Takada chuyển đến Paris và bắt đầu nấc thang đầu tiên trong nên công nghiệp thời trang. Thời gian này, ông làm việc như một nhà thiết kế tự do.
Vào năm 1970, Takada mua lại một cửa hàng quần áo cũ, tự sửa sang và nâng cấp cửa hàng. Cũng trong thời gian này, ông cũng thiết kế và đem đến nhiều tạp chí thời trang. Vào tháng 11 năm đó, ông đã chuyển đến con đường thời trang Choiseul và bắt đầu được chú ý với những nét đột phá trong thiết kế.
Bộ sưu tập Kenzo ảnh hưởng khá mạnh từ phong cách Nhật Bản truyền thống, tạo nên tiếng vang lớn trong giới mộ điệu. Các thiết kế của ông trở thành xu hướng của giới trẻ. Tại Nhật Bản, ông được xem là người tiên phong khi giới thiệu thời trang Nhật Bản đến thế giới. Luôn luôn kỹ lưỡng trong khâu chọn vải, những năm tiếp đó ông còn tấn công sang lĩnh vực vải trang trí nội thất và đồ gia dụng.

Vào năm 1971, các thiết kế của Jungle Jap xuất hiện trên Vogue Mỹ khi Kenzo đang phát triển cửa hàng tiếp theo. Trình bày sản phẩm tại gallery Vivienne đã cho ông cơ hội giới thiệu phong cách của mình đến với người dân Paris. Thành công tiếp nối thành công khi ông lần lượt trình diễn bộ sưu tập tại Paris (1972), Tokyo (1975) và New York (1977), gây nên hiệu ứng toàn cầu. Trong những năm kế tiếp, ông đồng thời làm việc cho nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Pisanti và Relations.
Đến năm 1978, tên tuổi của Takada được biết đến rộng rãi, ông được mệnh danh là “Nhà thiết kế Trắng vĩ đại”. Sở dĩ ông được ưu ái tên gọi này là vì màu trắng đại diện cho thấu kính vạn hoa đầy mê hoặc, là màu biểu diễn cho đa dạng sắc thái và đường nét phức tạp và màu sắc sặc sỡ,và đây cũng chính là những đặc tính trong những thiết kế của Kenzo.

Thập niên 1990 đánh dấu sự ra đời dòng nước hoa dành cho nam và nữ. Kenzo đã trình diễn nhiều show thời trang tại châu Á, trong đó gồm Tokyo và Osaka, và show diễn 3 ngày tại thị trấn mình sinh ra với 22.000 người xem. Ông cũng mở một Kenzo boutique tại Hong Kong. Ngoài ra, Kenzo mở rộng thiết kế dòng sản phẩm quần áo nam, jeans, trang phục trẻ em và nhiều sản phẩm khác. Cũng trong năm này, Kenzo Takada tổ chức một sự kiện lớn tại École Nationale Supérieure des Beaux Arts nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của hãng.
Năm 1999, Kenzo Takada kỷ niệm chặng đường 30 năm sáng tạo tại nhà hát Zenith, tái hiện lại toàn bộ sự nghiệp của ông. Sau đó ông nhượng lại nhà mốt cho trợ lý là Giles Rosier, bán thương hiệu cho tập đoàn LVMH. Ông rời nhãn hiệu Kenzo và bắt đầu du lịch.
Trong một cuộc họp với báo giới vào tháng 5/2002, ông đã vạch ra một kế hoach mới mang tên tên Yume (tiếng Nhật có nghĩa là Giấc mơ) bao gồm chuỗi trang phục và phụ kiện dành cho nam và nữ, ga trải giường với cảm hứng từ Nhật Bản.
Vào năm 2004, được sự hậu thuẫn từ khoản tiết kiệm và trải nghiệm đa văn hóa, Kenzo đã cho ra đời Gokan Kobo, nhãn hiệu thời trang mang ý nghĩa “studio ngũ giác”, thiết kế thời trang và sản phẩm nội thất mang tầm nhìn quốc tế.

Phong cách thiết kế
Nhắc đến Kenzo Takada là nhắc đến những thiết kế mang đậm chất Á Đông giữa lòng thế giới. Ông chơi đùa với họa tiết động vật như rồng, phượng, cọp... hay họa tiết kẻ sọc, sau đó thể hiện mình là một bậc thầy của màu sắc, tạo nên những trang phục đậm nét hội họa. Ông còn kết hợp kimono, trang phục truyền thống của Nhật có thể kết hợp với nhiều loại trang phục hiện đại.
Những thiết kế “đinh” có thể kể đến của Kenzo Takada như áo tunic, cổ áo Mao, phong cách layer, quần yếm rộng, tay áo kimono hay chiếc quần baggy độc đáo gần như đã làm xoay chuyển giới thời trang của thập niên 1970. Kenzo Takada nổi bật với các thiết kế tối giản, chú trọng vào kỹ thuật cắt may, xử lý chất liệu. Thiết kế của Kenzo phần lớn đều được truyền cảm hứng từ văn hóa đa dạng trên khắp thế giới, từ váy Bolero của Tây Ban Nha, áo khoác Loden của nước Áo, quần truyền thống Ấn Độ đến trang phục cung nữ Trung Hoa…


Kenzo Takada đã mở một chân trời hoàn toàn mới cho nền công nghiệp thời trang. Những ý tưởng tươi mới và cái tài tình trong việc kết hợp giữa cấu trúc vải và hoa văn đã đưa tên tuổi của Kenzo được biết đến trên toàn cầu. Mặc dù thành công của Kenzo đạt đỉnh cao tại Mỹ vào những năm 1980, nhiều đột phá của ông như sử dụng ma-nơ-canh thay cho những người mẫu trên sàn catwalk trong những show diễn thời trang vẫn còn thịnh hành cho đến ngày nay. Nét phá cách khi biến show diễn trở thành sàn nhạc rock hay cách bài trí cửa hàng độc đáo của Kenzo luôn níu giữ bất cứ một khách hàng nào.
